Cuốn sách này dành cho những nhà giáo dục, cho mọi cha mẹ, cho những ai yêu trẻ con. Nếu gỡ hết những cái tên nhân vật, cách ly khỏi quyển truyện thì những gì có trong bài là một phương pháp giáo dục trẻ em tiên tiến. Nếu nền giáo dục VN đặt trọng tâm của nó như những vấn đề nêu trong bài viết này thì nước ta làm sao mà có thể thiếu nhân tài.
Về mặt khác bài viết cũng làm mình nghĩ đến một vấn đề, đó là con người ta thường sống và suy nghĩ theo thói quen, như hễ là con nít ngoan là không được nghịch ngợm quậy phá, hay một người bình thường thì phải có những hành động và suy nghĩ như những người khác nếu không sẽ bị xem là bất thường và là điều xấu. cũng chính vì những suy nghĩ như thế mà biết bao nhân tài bị mai một, biết bao người có những ý tưởng tiến bộ không thể nói ra vì sợ bị cho là khác người. một con người nếu không bỏ đi tính bảo thủ và mở rọng lòng mình thì rất khó tiếp nhận cái mới để đi lên, một nền giáo dục nếu không để những học trò phát triển tự do theo bản tính của các em thì chính là làm hại hơn là giáo dục. Và một điểm nữa mình nhìn thấy là sự giáo dục chỉ đạt hiệu quả khi nó gắn liền với cuộc sống của chính chúng ta. Học ngoại ngữ 6 năm cũng không bằng biết và trò chuyện một người ngoại quốc trong 6 tháng. vừa học vừ sống, vừa học vừa chơi là phương pháp hiệu quả nhất. Một nền giáo dục có thể biến một ngày đi học thành một ngày để sống thì mới có thể gọi là ưu việt.
Bìa sách “Totto-chan: Cô Bé Bên Cửa Sổ”
Đọc Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ của nữ tác giả Tetsuko Kuroyanagi, tôi cứ ngẩn ngơ mãi.
Ngẩn ngơ vì tìm thấy hình bóng đáng yêu của tuổi thơ ở Tottochan. Trong lớp học, cô bé cứ ngồi nhìn ra khung cửa để trò chuyện với đôi chim nhạn, rồi hồn nhiên gọi đoàn hát rong và yêu cầu họ chơi một bài vui vui. Tôi đã bật cười với những “trò lạ mà quen” của em. Nào là đóng mở liên tục ngăn bàn vì thấy thích thú với nó, tưởng tượng mình là một tảng thịt bò treo trên móc để rồi tự đu mình lên xà, và rớt xuống ê hết mông. Em nghịch ngợm nhảy vào tờ báo mà không biết rằng dưới đó là hố phân, làm mẹ được một phen kỳ cọ vất vả.
Tôi cũng thấy tâm hồn trong trẻo của em khi yêu thương chú chó Rocky, khi biết bênh vực, giúp đỡ bạn. Tôi cũng như nhìn thấy mình năm nào, khi chọn một cái cây làm “nhà” rồi mời bạn bè tới thăm trong một chiều lộng gió. Những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên cứu ùa về, ngọt ngào, vui tươi và càng làm tôi thêm tiếc nuối.
Tôi càng ngẩn ngơ hơn khi tự hỏi tại sao lại không còn nữa ngôi trường Tomoe với các phòng học là các toa tàu cũ kỹ nhưng rất đỗi thân thương. Ngồi học trong đó, cứ cảm tưởng như đang trong một chuyến du hành kỳ thú. Lớp học cho bạn tự chọn chỗ ngồi, tự chọn thời khóa biểu.Có bạn thì làm thí nghiệm vật lý, có bạn thích thú làm toán, hay bò lăn ra sàn để vẽ tranh. Còn gì vui hơn thế!
Tomoe ngôi trường thú vị với giờ ăn trưa là các món từ biển và từ đất, các học trò biết trân trọng thức ăn hơn và còn biết nguồn gốc của các món ăn nữa. Và điều đáng trân trọng nhất ở Tomoe là những người thầy, người cô ở đấy. Đặc biệt là thầy hiệu trưởng Kobayasi.
Ôi, tôi ước gì mình được là học trò của Thầy. Được Thầy ngồi chăm chú nghe mình nói huyên thuyên 4 giờ đồng hồ như Thầy đã làm trong lần gặp Tottochan đầu tiên. Được Thầy nói: “Em thật là một cô bé ngoan.” Câu nói giản đơn nhưng đã tác động rất nhiều tới Tottochan, dù sau nay em mới hiểu ý nghĩa của hai từ “thật là”. Thầy luôn tin bản chất em là tốt, dù em có nghịch ngợm, có làm những việc mà mọi người cho là ngớ ngẩn. Câu nói đó đã động viên Tottochan, khiến em tự tin mình là một cô bé ngoan và luôn cố gắng sống đúng với câu nói đó.
Tôi đã rát thích thú với chi tiết Thầy “để” cho Tottochan tự múc phân từ hầm chứa ra bãi cỏ để tìm cái ví yêu thích. Thầy chỉ lâu lâu đi đến và hỏi: “Em tìm thấy chưa?” và “Nhớ dọn sạch phân sau khi tìm thấy nhé.” Mấy ai có thể bình tĩnh khi nhìn thấy một đứa trẻ 7 tuổi đang xúc phân từ hầm chứa ra bãi cỏ? Mấy ai đủ sự tôn trọng, tìm hiểu, lắng nghe và đồng tình với cái lý do của đứa trẻ 7 tuổi khi nó làm như thế?
Hay là quát tháo, kêu ca này kia? Và dù hơi tiếc vì không tìm thấy chiếc ví xinh xắn, nhưng quan trọng là em đã nỗ lực hết mình, xúc cả một bể phân to ra, rồi lại xúc vào gọn gàng, sạch sẽ. Thầy hiệu trưởng đã để em làm điều mình muốn, để em biết tự chịu trách nhiệm phải dọn dẹp những thứ mình bày ra. Và thầy tôn trọng, tin là em làm được điều đó.
Thầy Kobayasi trân trọng sự phát triển tự nhiên của các em. Thầy đã nói với một cô giáo: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa.” Thế nên những giờ học, các em thích môn nào thì các em có thể học môn đó trước. Các em được đi dạo, tìm hiểu về thiên nhiên, cỏ cây.
Thầy luôn lắng nghe các em, cùng các em giải quyết mọi phiền toái. Thầy cho các em được ở trần khi tắm cùng nhau trong bể, để thêm yêu cơ thể mình và không có sự phân biệt màu da, không làm các bạn bị khuyết tật thấy tự ti. Thầy còn nghĩ ra các trò chơi trong các cuộc thi để cậu bé khuyết tật có thể tham gia cùng chúng bạn.
Tôi học được nhiều điều từ cuốn sách và vẫn nhớ mãi câu:”Có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân lý; có trái tim, nhưng không bao giờ rung động, và do đó không bao giờ rực cháy. Thầy hiệu trưởng nói đó là những điều đáng sợ.”
Không tìm thấy một ngôi trường như Tomoe nên lúc nhớ, tôi lại tìm đến với Tottochan-Cô bé bên cửa sổ để được gặp lại thầy Kobayashi đáng kính, gặp lại bé Totto hồn nhiên, gặp lại đoàn tàu Tomoe thân thương ấy…
Thuy Tran
Đăng nhận xét
Viết bình luận bằng tiếng Việt có dấu nhé!