......
Ngay khi vừa bước lên chiếc máy bay đuôi chú hồng hạc của hãng hàng không Nhật Bản, tôi đã như lạc vào một thế giới khác.
Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên một khoang máy bay rộng như thế này. Nụ cười niềm nở cùng cái cúi chào “Konnichiwa” của các chị tiếp viên xinh xắn không khiến tôi khỏi mến người Nhật từ cái nhìn đầu tiên. Bất ngờ hơn nữa là sau khi đã yên vị cài dây lưng an toàn thì lũ con nít chúng tôi như reo hò lên với cái màn hình trước mặt mỗi ghế có sẵn cả điều khiển. Trong đấy có nào là nghe nhạc, xem phim và cả chế độ nhìn ra ngoài từ phía chú phi công đang lái nữa. Tôi không biết mấy nút trên cái điều khiển nó có chức năng gì và tôi cứ chọn địa cái nút có hình người mà ấn, chị tiếp viên đến hỏi mấy lần. Ôi ngốc quá, nút ấy là khi có nhu cầu gì thì gọi các tiếp viên đến mà tôi nào đâu biết, nghĩ lại thấy tội mấy chị vì tôi ấn những đến 4, 5 lần cơ. Khi máy bay cất cánh, chao nghiêng một vòng trên thủ đô Hà Nội thì khi đó cũng là lúc tôi nhắm mắt và mơ về cuộc sống Việt Nam đang lùi lại phía sau. Chuyến máy bay đưa tôi đến với vùng đất ước mơ đã ấp ủ 6 năm dài.
Thế giới mới, văn minh mở ra trước mắt
Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng lũ học sinh chúng tôi không khỏi sung sướng khi bước chân ra cửa sân bay Narita dưới cái lạnh 9 độ lúc 7 giờ sáng ở Tokyo. Tôi như kẻ quá phấn khích, cứ cố gắng nói thật nhiều với lũ bạn để được tận mắt thấy hơi nước ngưng tụ thành những làn khói mỏng lượn lờ trước mặt như thế nào. Cuộc hành trình mệt nhoài chẳng thể nào ngăn lũ chúng tôi vui rộn rã khi lướt ngang qua những cánh đồng trải dài, một chút gì đó của Nhật Bản sao giống Việt Nam đến thế. Thế giới mới mở ra với chúng tôi khi xe buýt chở 30 thành viên nhóm B đi qua những con phố hiện đại chen chúc những tòa nhà chọc trời. Tokyo, Tokyo, thật hay mơ, chúng tôi đã đến thủ đô xứ mặt trời mọc?
Điều kì diệu khi đến đây là những tối cố gắng ăn cơm thật sớm để cùng nhau dạo phố. Tokyo về đêm như thắp sáng lên bởi ánh đèn màu từ những trung tâm mua sắm sầm uất và cũng bởi những con người cần mẫn đang bước nhanh vội về nhà sau giờ làm. Người Nhật Bản thường về nhà rất trễ, khi nào hết việc họ mới xách cặp táp rời công ty dù khi ấy phố đã lên đèn. Những bước chân gấp gáp khiến chúng tôi như cũng cuốn theo nếp văn hóa ở xứ sở của những chú kiến chăm chỉ này.
Như trong trí tưởng tượng của chúng tôi, nước Nhật là những tòa nhà cao tầng san sát nhau và tôi tự hỏi xây thế này thì trồng cây ở đâu và sao người ta có thể sống sót trong thế giới công nghiệp này. Nhưng tôi đã lầm, mọc lên như nấm nhưng các cao ốc này cách nhau bởi một khuôn viên thơ mộng có cầu thang bộ đi lên trên hoặc thang máy bộ ngoài trời.
Rời những trung tâm cao tít tắp, chúng tôi dạo bước về phía con sông tên gì đấy ở Chuuo nằm giữa lòng Tokyo. Không khỏi ngạc nhiên, hai bên bờ là những hàng hàng xe đạp nối đuôi nhau xích vào lan can vỉa hè. Bạn sẽ bắt gặp họ thường đạp xe đi đến chỗ làm hoặc đi bộ từ bến xe buýt, ai khá giả hơn chút thì đi ô tô và hầu như rất hiếm thấy xe máy. Có người dựng hờ xe đó, không khóa nhưng thế thì cũng chẳng sao cả. Cô bé đi cùng tôi kể bạn nó qua đây đánh rơi cái Iphone4 và sau đó người ta nhặt được gửi trả về Việt Nam. Người Nhật là vậy, trung thực và chẳng hề gian dối – đó đã thành một điều khiến du khách Nhật đến bất kì nước nào cũng đều được người địa phương hoan nghênh chào đón.
Hệ thống giao thông ở đây cực kì hiện đại. Đường phố chia ra hai làn, xe chạy bên phía tay trái ( tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những chiếc xe chạy ngược lại bên phía tay phải của mình dù trước đó đã từng nghe câu chuyện về chiếc vô lăng xe hơi bên phải chứ không như ở Việt Nam: “đường em đi là đường bên phải, đường ngược lại là đường bên trái..”). Vì người dân Nhật chủ yếu là đi bộ nên khi tín hiệu đèn dành cho bộ hành vừa bật xanh thì ở kia cách xa khoảng 100m là xe hơi đã dừng tất cả. Có lần chúng tôi mải mê nói chuyện băng qua đường mà quên rằng đèn dành cho xe lưu thông đang màu xanh thì một chiếc taxi đang rẽ vào đã nhẹ nhàng thắng lại nhường cho chúng tôi đi qua trước và không hề có một tiếng còi inh ỏi nào. Ôi cái lũ con nít, chỉ mải mê ngắm phố xá, nếu như ở Việt Nam thì tôi nghĩ chúng tôi đã không yên bình đứng đấy đâu. Ở những chỗ không có vạch trắng qua đường thì người ta có thể băng qua một cây cầu vượt dành cho người đi bộ. Từ trên cầu, gió lạnh mát, nhìn xuống những dòng xe nườm nượp, chạy thẳng tắp thì bất cứ ai đến đây ắt sẽ vô cùng yên tâm. Một hệ thống giao thông thật vừa thuận tiện vừa an toàn.
Thế giới hiện đại chợt mờ đi khi những bác đưa thư lặng lẽ đạp xe ngang qua chúng tôi, vì khi ấy tôi biết tôi đang sống trong thế giới của Doremon. Đứa con nít bé nhóc ấy từng mơ một ngày được đặt chân lên nước Nhật gặp anh chàng mèo ú, được sử dụng biết bao bảo bối thần kì và thưởng thức chiếc bánh rán mà anh chàng có thể bỏ tất cả để thưởng thức nó. Hình ảnh bác đưa thư với chiếc thùng sau yên xe, chiếc bánh rán nhân đậu đỏ thơm lừng tôi đã lùng sục mua ở siêu thị nhỏ Family Mart hay chú công an mang đồng phục đứng gác ở ngã tư đường kéo tuột chúng tôi về với tuổi thơ. Lúc đó cứ tưởng mình là nhân vật hoạt hình nào đấy mà thôi.
Người Việt mình nhu cầu ăn uống không quan trọng, vãn cảnh không quan trọng, giải trí không quan trọng mà chỉ thích mua sắm. Chúng tôi cứ thấy một cửa hàng nào là lại chui hết vào. Cái cảm giác hân hoan khi vừa bước chân vào mỗi cửa hàng là được chào đón nhiệt thành bởi tiếng chào “Irashaimase” của các chị nhân viên xinh xắn đang dọn dẹp từng dãy hàng hóa cứ khiến chúng tôi ấn tượng mãi. Rồi lại lăn lê từng góc, chổng mông xem từng món đồ dù vốn tiếng Nhật cũng không nhiều bao nhiêu để hiểu hết mấy dòng chữ giới thiệu sản phẩm. Thấy một món nào hay hay, rẻ rẻ là lại ới nhau mua đem về làm quà gọi là “chút lòng từ nước ngoài”. Ôi chao, tôi không thể nào quên được cái khoảnh khắc ghé ngang qua sạp báo chí. Nào là truyện Doremon, … và cả những tờ tạp chí người lớn. Lũ con trai cười thầm với nhau, sao mà không tò mò được bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp trải nghiệm cái gì gọi là ngành công nghiệp không khói thịnh vượng chỉ có ở nước Nhật. Nhưng muốn mua thì bạn phải trình thẻ chứng nhận trên 18 tuổi đấy nhé. Trong cửa hàng có cả máy rút tiền tự động nữa vì hầu như người Nhật rất hay xài thẻ tín dụng. Khi trả tiền, vui nhất là lúc đếm từng xu. Cái thói quen xài máy tính khi tính toán đã làm đau khổ tôi khi phải nhẩm từng xu một, còn chú nhân viên lúc nhận tiền thì cứ bỏ hết đống xu vào máy, máy sẽ tự phân loại xu ra, tính toán số tiền thừa và chú ấy chỉ có mỗi việc là trả lại chúng tôi số dư ấy. Khi ra khỏi cửa, họ cũng không quên cảm ơn khách hàng. Giá như mấy quán tạp hóa gần nhà mà được thế này thì thích nhỉ! Chắc mình sẽ cúi chào mãi đến khi nào đau lưng thì thôi :)
Tối hôm đầu tiên ngủ tại nơi xa lạ, mình cứ thao thức mãi dù hôm đó đã là 12 giờ đêm rồi. Lăn qua rồi lại lăn lại, nằm nghĩ xem giờ này thì ở nhà có ai nhớ mình không? Kiểu như mình là người quan trọng và chắc ai cũng phải nhớ. Hóa ra hôm sau mail về hỏi thì ba má đùa “Mi đi, nhà đỡ chật chỗ”. Thế đấy, đau lòng quá =((
3/2013
Gữi bài viết của bạn: nihongokomyuniti@gmail.com
Like và cảm nhận Nhật Bản cùng CỘNG ĐỒNG NHẬT NGỮ
Đăng nhận xét
Viết bình luận bằng tiếng Việt có dấu nhé!