Không phải ai làm hộ lý, điều dưỡng ở Nhật Bản cũng có thu nhập 60 triệu đồng/tháng. Mức sống đắt đỏ tại Nhật Bản khiến cho họ chỉ dành dụm được một phần nhỏ gửi về gia đình.
Chị Thanh (quê ở Phú Thọ) sang Nhật làm điều dưỡng tại một bệnh viện ở vùng Miyakonojo, Miyazaki, Nhật Bản được gần 2 năm theo diện xuất khẩu lao động. Chị cho biết, mức lương hiện tại của chị là 200.000 yên/tháng (tương đương khoảng 40 triệu đồng). Đây là con số đáng mơ ước ở Việt Nam, nhưng với người sống ở Nhật Bản, mức thu nhập nói trên chỉ ở trung bình. Trừ các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, chi phí ăn ở, sinh hoạt, người lao động như chị chỉ dành dụm được một khoản nhỏ gửi về cho gia đình.
Chị Thanh tính toán, sau khi trừ bảo hiểm khoảng 30.000 yên (6 triệu đồng); thuê nhà 15.000 yên (3 triệu đồng); xe đi lại 10.000 yên (2 triệu đồng); tiền ăn 30.000 yên (6 triệu đồng); chi phí sinh hoạt điện nước, nấu nướng 10.000 yên (2 triệu đồng) thì chưa tính chi phí đi chơi, thăm bạn bè, mỗi tháng chị dành dụm được khoảng 100.000 - 115.000 yên (tương đương với 22 - 25 triệu đồng). "Với số tiền chi trả trên, mình đã phải sống rất tiết kiệm và không có bất kỳ một chuyến đi chơi hay thăm bạn bè nào trong một tháng liền", chị chia sẻ.
Để được mức lương cao khi xuất khẩu lao động sang Nhật, các ứng viên cần phải đáp ứng một số tiêu chí. Ảnh minh họa: Nhatban.net.
Chị kể, thời gian học ở Việt Nam, nhiều người học để được sang Nhật. Tuy nhiên, chỉ một phần ba trong số này qua được kỳ thi chứng chỉ tiếng Nhật Bản. Chị cho biết, để đạt được mức N3 (mức ở giữa trong 5 mức từ 1 đến 5), người chăm chỉ, sáng dạ theo khóa đào tạo liền ngày sẽ mất gần 1 năm. Những người học chậm phải mất đến 1,3 -1,5 năm. Ngoài ra, các ứng viên thường xuyên tham gia các buổi thi tiếng Nhật ở Việt Nam và các bài phỏng vấn trực tuyến của người Nhật. Sau khi vượt qua các vòng thi khó khăn, ứng viên phải chờ thời gian cấp visa và đủ số người mới đủ điều kiện. "Để được xuất khẩu sang Nhật Bản, mình đã mất đến mấy trăm triệu đồng cho các chi phí đào tạo dự bị, ăn, ở, phí khám sức khỏe, làm visa", chị Thanh cho biết thêm.
Chị Kiều, một du học sinh ngành dược đang làm thêm tại một bệnh viện dưỡng lão ở Miyakonojo-shi, Miyazaki, Nhật Bản được gần 1 năm cho biết, mức lương 60 triệu đồng/tháng cho hộ lý, điều dưỡng viên không phải là không có. Tuy nhiên, để đạt được mức lương như vậy, đòi hỏi ứng viên phải có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tại Nhật Bản. Sau đó, ứng viên phải trải qua các kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý, và có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3 (chưa kể chi phí, thời gian xét hồ sơ và đào tạo ở Việt Nam).
Cũng theo chị, chi phí sống ở Nhật Bản rất cao so với Việt Nam. Đơn cử, một tuyến xe bus ngắn tại Việt Nam có giá hiện thời là 5.000 đồng/người/lần, nhưng bên Nhật, cứ bước lên xe là mất ít nhất 30.000 đồng/tuyến, chưa kể tuyến xa giá sẽ đắt hơn gấp nhiều lần. Hiện vé vào cửa công viên vườn thường ở Việt Nam là 4.000 - 5.000 đồng/người, ở khu vui chơi giải trí 130.000 - 150.000 đồng/người, nhưng vé vào công viên tầm trung ở Nhật Bản đã gần 1 triệu đồng. Như vé vào cửa công viên Universai ở Osaka (Nhật Bản) là 1, 3 triệu đồng. Do đó, những người lao động ngoại quốc như chị hiếm khi dám rút ví chi trả cho những dịch vụ ấy.
Nếu thuê nhà của công ty, thường phải ở chung 3 - 4 người/phòng, mỗi người mất khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, chưa kể khoản đặt cọc 15 - 20 triệu đồng trước khi nhận phòng. Và phần lớn người lao động ở Nhật Bản đi xe đạp, do các loại phương tiện như tàu điện, xe bus, taxi đều rất tốt, nhưng vô cùng đắt đỏ. "Ở Nhật, thời gian làm thêm được chi trả khá cao, thường 753 yên/giờ (đối với vùng ở nông thôn). Tuy nhiên, làm điều dưỡng và hộ lý ở đây trung bình 8 tiếng/ngày, nhưng chỉ làm thêm được 2 tiếng/ngày, do đó, muốn cải thiện thu nhập cũng khó", chị nói.
Kim Anh (quê ở một tỉnh miền Trung) trúng tuyển xuất khẩu lao động Nhật Bản ngành hộ lý thuộc diện của Bộ năm 2013. Kim Anh cho biết, đầu vào ngoài xét hồ sơ, chị phải trải qua các bài thi chuyên ngành, tiếng Anh hoặc tiếng Nhật (nếu biết), và bài phỏng vấn trực tiếp. Sau khi trúng tuyển, các ứng viên sẽ được đài thọ toàn bộ chi phí, ăn ở, học tiếng mỗi tháng 5 triệu đồng tại một cơ sở ở Hưng Yên. Hiện khóa học của Kim Anh là khóa thứ 2 xuất khẩu lao động sang Nhật Bản theo diện này. Nếu đầu năm sau đạt chứng chỉ N3, khóa của chị sẽ bay sang Nhật vào cuối tháng 6.
Quản lý tại cơ sở đào tạo cho biết, nếu đỗ N3 Kim Anh sẽ sang Nhật làm hộ lý 4 năm với mức lương dao động 130.000 -140.000 yên/tháng (tương đương 26 - 28 triệu đồng), và có cơ hội thi tuyển các chứng chỉ chuyên ngành của Nhật để có mức lương như hộ lý Nhật Bản. "Tuy nhiên, để thi được bằng N3 rất khó nên mình đang nỗ lực học tiếng, hy vọng được sang Nhật Bản làm việc, giúp đỡ phần nào khó khăn cho gia đình", chị chia sẻ.
Trong buổi họp báo diễn ra cách đây chưa lâu, đại diện Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, những người được lựa chọn sẽ sang Nhật Bản vừa học vừa làm. Thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần), và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý.
Lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương thông thường là 130.000 - 150.000 yên/tháng (tương đương 1.300 - 1.500 USD). Ngoài ra, ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn. Và chỉ khi này, mức lương của hộ lý và điều dưỡng viên mới có thể lên tới 270.000 - 300.000 yên/tháng (tương đương 2.700 - 3.000 USD/tháng).
Theo thông tin tuyển dụng của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (www.dolab.gov.vn), mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản.
Tuy nhiên, mức lương thông thường của ứng viên điều dưỡng là 130.000 - 140.000 yên/tháng, ứng viên hộ lý là 140.000 - 150.000 yên/tháng. Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
|
Like và cập nhật tin tức cùng CỘNG ĐỒNG NHẬT NGỮ
Đăng nhận xét
Viết bình luận bằng tiếng Việt có dấu nhé!